Nghiện đồ ngọt – sát thủ âm thầm gây bệnh tật

Minh Anh hiện làm công việc tư vấn bảo hiểm tại TP HCM. Các công ty bảo hiểm trả lương theo doanh số bán hàng. Nhân viên tư vấn và bán được nhiều gói bảo hiểm, giá trị hợp đồng càng lớn thì thu nhập càng cao. Do đó, Minh Anh luôn trong tâm thế “chạy nước rút”, ít khi ăn uống đầy đủ trong ngày bởi phải tìm kiếm khách hàng và gọi điện tư vấn liên tục. Các món ăn vặt, đặc biệt là đồ ngọt, trở nên quen thuộc và không thể thiếu với cô gái.

Ngoài dùng đồ ngọt chống đói trong thời gian làm việc, cô thường xuyên thưởng thức các món tráng miệng như kem, chè… sau mỗi bữa ăn. Đối với Minh Anh, đồ ngọt không chỉ là món ăn ưa thích mà còn là cách để giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. “Khi ăn đồ ngọt, tôi cảm thấy vui vẻ hơn, như thể mọi áp lực trong ngày tan biến hết”, nữ nhân viên chia sẻ.

Tuy nhiên, thói quen này đã khiến cô tăng cân nhanh chóng và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như mệt mỏi, khó thở khi vận động, làn da xuất hiện nhiều mụn và thường xuyên đau đầu. Minh Anh đi khám tổng quát, nhận được kết quả tiền đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, và cholesterol cao. Bác sĩ cảnh báo nếu không thay đổi lối sống, cô có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tiểu đường type 2 trong tương lai.

“Khi nghe bệnh án, tôi rất sốc, không nghĩ rằng thói quen ăn uống lại có thể gây hại đến vậy”, Minh Anh tâm sự.

Trường hợp khác, Hân, 25 tuổi, sống tại Long An, là một người yêu thích ẩm thực, đặc biệt là đồ ngọt. Từ bánh ngọt, trà sữa đến nước ngọt có gas, tất cả đều là những món khoái khẩu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của cô. Thói quen này khiến Hân dù chỉ cao 1,5 m nhưng nặng gần 70 kg. Áp lực từ ngoại hình và lời khuyên của gia đình khiến cô quyết định “cưỡng ép” bản thân giảm cân.

Hân từng gặp nhiều bác sĩ, sử dụng thuốc, tuy nhiên sau mỗi lộ trình điều trị, cân nặng chỉ giảm thời gian đầu, sau đó cô lơ đễnh, không cưỡng lại đồ ngọt, dẫn đến béo trở lại.

Lần này, Hân cắt bỏ hoàn toàn đồ ngọt, dầu mỡ, và các loại nước có gas. Cô cũng hạn chế tinh bột, chỉ ăn rau xanh và thịt luộc. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần, Hân cảm thấy bức bối, mệt mỏi, và không thể ngừng nghĩ về đồ ăn. Cơn thèm đồ ngọt trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết, khiến cô khó ngủ, mất tập trung, và thậm chí da mặt cũng trở nên sạm đi, nhăn nheo, và nổi mụn.

“Kiêng khem quá mức khiến tôi cảm thấy như bị tra tấn, không thể nghĩ được gì ngoài việc ăn uống”, Hân nói. Cuối cùng, cô quyết định từ bỏ chế độ ăn kiêng và quay lại với sở thích ăn uống của mình. Thậm chí, còn ăn nhiều hơn trước để “bù đắp” cho những ngày thiếu thốn.

Minh Anh giữ thói quen thưởng thức các món tráng miệng như kem, chè… sau mỗi bữa ăn. Ảnh minh hoạ: Bùi Thủy

Đồ ăn ngọt với hàm lượng đường cao luôn là loại thực phẩm có sức hấp dẫn với phần lớn mọi người. Theo một nghiên cứu của Đại học Texas, Mỹ, đường làm tăng dopamine (hormone hạnh phúc), tăng dopamine lại kéo theo cảm giác thèm đường, tạo thành vòng luẩn quẩn.

Cụ thể, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết khi ăn thực phẩm chứa đường, các hormone vui vẻ như dopamine, endorphine được giải phóng, làm giảm cảm giác căng thẳng. Não cũng cần nguồn năng lượng chính từ glucose, do đó khi ăn ngọt khiến não bộ có cảm xúc, hưng phấn, giúp xoa dịu tâm trạng hiệu quả.

Tuy nhiên, lạm dụng đường sẽ khiến tuyến tụy hoạt động quá mức, tăng lượng insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu. Thói quen này cũng làm cạn kiệt khả năng sản xuất insulin của tụy và đề kháng insulin khiến tế bào bị đói glucose, kể cả tế bào não. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đường liên quan đến suy giảm nhận thức, rối loạn lo âu, trầm cảm và nghiện. Lạm dụng đồ ngọt không phải phương pháp lâu dài để điều trị stress, giải tỏa căng thẳng.

“Nhiều người cảm thấy giảm stress khi ăn đồ ngọt, nhưng lâu dần bị nghiện ngọt, dẫn đến bệnh tật”, bác sĩ nói và cho rằng tỷ lệ người Việt nghiện, tiêu thụ đồ ngọt ngày càng tăng.

Tại toạ đàm gần đây, TS.BS Bùi Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Khoa học kỹ thuật dinh dưỡng – thực phẩm, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết theo thống kê của viện này, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt Nam là 46,5 g/ngày, cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (25 g/ngày). Lượng tiêu thụ đường ở Việt Nam tăng lên gấp 7 lần trong 15 năm. Sử dụng nhiều đường là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm.

Một lon nước ngọt có gas chứa tới 36 g đường. Kết quả nghiên cứu trên gần 2.000 người về thói quen sử dụng nước ngọt có gas cho thấy trên 57% có thói quen uống nước ngọt có gas. Đường không chỉ nằm trong bánh kẹo, đồ uống ngọt mà còn “ẩn mình” trong nhiều món ăn hàng ngày. Đặc biệt, đường trong các loại nước chấm và sốt lại ít được lưu tâm.

“Trước đây, nước mắm truyền thống thường chỉ có mắm, chanh và ớt. Nhưng hiện hầu hết công thức nước chấm như nước chấm ốc, chấm nem đều chứa đường”, TS Hương nói, thêm rằng có những loại nước chấm nêm 4 thìa đường trong 10 thìa nguyên liệu.

Các loại sốt được sử dụng phổ biến để tăng hương vị cho món ăn cũng chứa hàm lượng đường cao. Nhiều loại sử dụng sữa đặc là một trong các thành phần chính. Trong khi đó, loại nguyên liệu này lại có đến 50-55% thành phần là đường.

Bệnh mạn tính không lây đang ngày càng trẻ hóa do thói quen sử dụng thực phẩm nhiều đường. Ảnh minh họa: Huệ Chip

Các chuyên gia nhìn nhận bệnh mạn tính không lây đang ngày càng trẻ hóa do thói quen sử dụng thực phẩm nhiều đường, nhiều muối.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Y khoa, Mỹ – JAMA Internal Medicine cho thấy, ăn quá nhiều đường có thể gây tổn thương tim, cả ở những người không bị thừa cân. Các nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng, tiêu thụ quá nhiều đường còn làm tăng huyết áp, tăng chỉ số triglycerides (cholesterol xấu), mức viêm trong cơ thể… tất cả đều là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

Nhiều nghiên cứu cũng đã tìm ra mối liên hệ phức tạp giữa chế độ ăn nhiều đường và mụn vì tăng bã nhờn, dầu trên da. Và việc tiêu thụ các thực phẩm này, cân nặng sẽ có xu hướng càng tăng.

Theo kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí lâm sàng của Hiệp hội Thận học Mỹ, những người thường xuyên uống nước ngọt tăng 23% nguy cơ mắc bệnh sỏi thận hơn những người uống ít hơn. Hiệp hội Nha khoa Mỹ cũng cảnh báo sau khi ăn hoặc uống bất kỳ loại đồ ngọt nào, vi khuẩn trong mảng bám sẽ tạo ra axit làm mòn men răng, có thể hình thành sâu răng theo thời gian.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phân tích rằng rượu không phải là thứ duy nhất có thể phá hủy gan mà nghiên cứu đã cho thấy, những người ăn quá nhiều đường có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) hoặc tích tụ thêm chất béo trong tế bào gan cao hơn.

Vì vậy, người tiêu dùng cần giảm đường trong khẩu phần dinh dưỡng mỗi ngày. WHO khuyến cáo mỗi người nên ăn dưới 25 g đường một ngày (kể cả uống), bằng một nửa so với mức trung bình một người Việt ăn hiện nay. Người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng nạp vào cơ thể hàng ngày. Tỷ lệ này nếu dưới 5%, tương đương 25 g hoặc 5 muỗng cà phê, sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Trẻ em dưới hai tuổi không nên dùng bất cứ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) hướng dẫn nếu đọc nhãn thực phẩm đóng gói, bạn có thể nhận thấy những từ như maltose, sucrose, high-fructose corn syrup… đây là tất cả các loại đường được có trong sản phẩm đó. Hãy lưu ý hàm lượng của những loại đường này để không tiêu thụ quá lượng khuyến cáo.

Bác sĩ Phan Thái Tân, huấn luyện viên sức khỏe giảm cân HomeFiT đưa ra một vài cách để giảm đồ ngọt, như sau: Đầu tiên, uống nước, hít thở sâu, đứng lên đi lại, vận động. Bạn có thể ăn những thực phẩm thay thế như trái cây không ngọt hoặc chua, hạt dinh dưỡng, nước ép, sinh tố, các loại tạo ngọt bằng đường la hán quả hoặc chà là, “bánh healthy” như bánh hạnh nhân, thanh protein bar, bánh yến mạch chuối chà là, bánh bicostti.

Nếu thèm trà sữa, bánh kẹo ngọt, bạn có thể chọn loại ít đường hơn hẳn, kích thước nhỏ, tập trung cảm nhận 1-2 miếng đầu tiên, nhâm nhi thật kỹ để thỏa mãn, sau đó cân nhắc bỏ.

Bên cạnh đó, thời điểm ăn rất quan trọng. Bạn nên ăn ngay sau bữa chính, bởi trước đó đã hấp thụ protein, xơ nên sẽ giảm tốc độ hấp thu đường. Ăn đồ ngọt cùng các loại trái cây, đồ ăn kèm giàu xơ, chất béo để làm chậm tốc độ hấp thu.

Mỹ Ý

*Tên nhân vật được thay đổi

Nguồn Thông Tin Cập nhập từ báo : https://vnexpress.net/nghien-do-ngot-sat-thu-am-tham-gay-benh-tat-4857318.html