Mẹ nhiễm HIV có thể cho con bú? Đây là câu hỏi mà nhiều người đặt ra, đặc biệt là những bà mẹ đang mang thai và nhiễm HIV. Trước đây, việc cho con bú thường không được khuyến cáo vì lo ngại nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, đặc biệt là các loại thuốc kháng virus (ARV), vấn đề này đã hoàn toàn thay đổi.
Ngày nay, mẹ nhiễm HIV hoàn toàn có thể cho con bú một cách an toàn và vẫn đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để giúp các mẹ nhiễm HIV đưa ra quyết định, lựa chọn tốt nhất cho con của mình.
1. HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con?
HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Đây là một loại virus tấn công hệ miễn dịch của cơ thể, làm suy yếu khả năng chống lại bệnh tật của người, bệnh hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Dù vậy, phương pháp điều trị dự phòng bằng ARV là thuốc kháng HIV (Antiretroviral drug) đang được Việt Nam áp dụng rất hiệu quả.
HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc cho con bú. Tuy nhiên, hiện nay người phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có quyền mang thai, nuôi con như những người mẹ khác mà con không bị lây nhiễm HIV. Đó là nhờ tuân thủ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Người mẹ cũng có quyền quyết định việc nuôi dưỡng trẻ sau khi sinh bằng phương thức cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc nuôi con hoàn toàn bằng sữa công thức trong 6 tháng đầu dưới sự tư vấn của cán bộ y tế.
2. Đánh giá nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Đánh giá nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tại thời điểm trước sinh là bước rất quan trọng trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe cho cả mẹ và con sau khi sinh.
Các trường hợp được xác định là có nguy cơ cao lây truyền HIV cho con khi:
– Mẹ nhiễm HIV nhưng chưa điều trị ARV.
– Mẹ đang điều trị ARV và có kết quả xét nghiệm tải lượng HIV trước khi sinh 04 tuần trên 1000 bản sao/mL.
– Mẹ nhiễm HIV và điều trị ARV dưới 4 tuần trước khi sinh .
– Mẹ được chẩn đoán nhiễm HIV trong vòng 72 giờ trước sinh.
3. Những lưu ý khi cho con bú đối với mẹ nhiễm HIV
Ngày 31/12/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5968/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS. Trong đó, có hướng dẫn điều trị ARV cho phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh và dự phòng lây truyền HIV cho con. Trong hướng dẫn Bộ Y tế cũng nhấn mạnh không cho trẻ uống ARV nếu trẻ không bú mẹ dù thuộc nhóm nguy cơ cao lây nhiễm.
Phác đồ và thời gian điều trị ARV dự phòng cho trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV tùy thuộc vào nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
3.1. Nhóm nguy cơ cao
– Trẻ không bú sữa mẹ: Điều trị AZT và NVP hằng ngày trong 06 tuần.
– Trẻ bú sữa mẹ: 06 tuần đầu điều trị AZT và NVP hằng ngày; 06 tuần tiếp theo tiếp tục điều trị AZT và NVP hàng ngày hoặc chỉ NVP hàng ngày. Nếu không có AZT và NVP có thể dùng AZT/3TC/NVP để điều trị dự phòng cho trẻ.
Lưu ý rằng:
– Điều trị ARV dự phòng cho trẻ ngay sau sinh càng sớm càng tốt và trước 72 giờ kể từ khi sinh. Nếu phát hiện mẹ nhiễm HIV sau khi sinh 72 giờ: Cho trẻ uống thuốc dự phòng ngay nếu trẻ bú mẹ; Không cho trẻ uống ARV nếu không bú mẹ.
– Nếu kết quả xét nghiệm HIV của mẹ có phản ứng tại thời điểm chuyển dạ hoặc sau sinh thì tư vấn và điều trị dự phòng ARV cho trẻ. Nếu sau đó kết quả xét nghiệm khẳng định mẹ có HIV âm tính thì ngừng điều trị dự phòng cho trẻ.
3.2. Nhóm nguy cơ thấp
– Trẻ không bú sữa mẹ: Điều trị dự phòng cho trẻ bằng NVP hàng ngày hoặc AZT hai lần mỗi ngày trong 6 tuần.
– Trẻ bú sữa mẹ: Điều trị dự phòng cho trẻ bằng NVP hàng ngày trong 6 tuần.
– Các trường hợp tiếp tục có nguy cơ nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi, điều trị dự phòng thuốc ARV cho trẻ.
Người mẹ cần phải tham khảo ý kiến cán bộ y tế để được cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện, lợi ích và nguy cơ của việc nuôi con bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức để quyết định việc nuôi con.
* Nếu nuôi con bằng sữa mẹ:Trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu. Mẹ cần tuân thủ điều trị ARV tốt để đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện. Mẹ có thể cho con bú đến 24 tháng tuổi.
* Nếu nuôi con bằng sữa công thức: Người mẹ chỉ nên nuôi con bằng sữa công thức (sữa thay thế) khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Đảm bảo cung cấp đủ sữa công thức hoàn toàn trong 6 tháng đầu;
– Có nước sạch và chuẩn bị được sữa thay thế đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh và đủ số lượng phù hợp với tuổi của trẻ;
– Có sự hỗ trợ của gia đình.
Trên đây là toàn bộ những lưu ý mà người mẹ HIV cần biết trước khi quyết định mang thai. Người mẹ nhiễm HIV hoàn toàn có thể cho con bú một cách an toàn nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Các mẹ nên tham khảo ý kiến của cán bộ y tế để đưa ra quyết định tốt nhất cho mình và con.
Nhiều người vẫn lầm tưởng bị nhiễm HIV không được mang thai hay cho con bú mẹ. Nhưng thực tế là phụ nữ nhiễm HIV vẫn có thể cho con bú nhưng bắt buộc cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hoặc nếu không thì sẽ không cho con bú hoàn toàn, chứ tuyệt đối không được vừa bú mẹ vừa uống sữa ngoài.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên.
Nguồn thông tin được cập nhập từ báo : https://suckhoedoisong.vn/me-nhiem-hiv-can-luu-y-gi-khi-cho-con-bu-169241023163739226.htm