Tùng làm nhân viên thiết kế phần mềm ở Hà Nội. Mỗi ngày, anh thường làm việc từ 10-14 tiếng trước máy tính, không có thời gian nghỉ ngơi. Khoảng hai năm nay, người đàn ông thấy da xạm đi, tóc rụng thưa hơn nhưng không để ý. Khi đi làm, anh bị gọi là chú, bác vì trông già, “nhìn như tờ giấy cũ, xấu xí, nhàu nát”. Mỗi lần thấy tóc rụng trên sàn nhà, anh ám ảnh cảnh “đầu trọc, hết tóc”.
Ban đầu, Tùng uống thuốc mọc tóc, giá 200.000 – 400.000 đồng một lọ, kết hợp bôi tinh dầu, thuốc xịt song không hiệu quả. “Tóc mọc lại không thấm gì so với tóc rụng”, anh nói. Tùng được giới thiệu phương pháp cấy tóc, giá 50 triệu đồng một liệu trình, gồm 10 buổi, được tặng một buổi. Người này tư vấn sẽ lấy các nang tóc từ những vùng tóc nhiều, cấy vào vùng da bị hói. Sau khi cấy tóc khoảng hai tháng, tóc có thể bắt đầu mọc lại. Sau 6 tháng, 50% tóc cấy ghép sẽ phát triển mọc lên.
“Tuy hiệu quả chỉ khoảng 40-50% nếu nang tóc còn phục hồi”, anh nói, song vẫn quyết định thực hiện, mong cải thiện phần da đầu bị hói để kịp đón Tết.
Tương tự, Huy, 43 tuổi, giám đốc một công ty bất động sản, bị rụng tóc nhiều năm nay, đến mức tóc vùng hai bên trán và đỉnh đầu ngày càng thưa thớt. Tình trạng rụng tóc không chỉ khiến anh stress, lo bản thân mắc bệnh hiếm, mà còn giảm sự tự tin. Người đàn ông quan niệm mái tóc dày, bóng khỏe là tiêu chuẩn của sự nam tính, khỏe khoắn. Do đó, việc bị gọi là “ông” khi tuổi mới hơn 40 là một nỗi xấu hổ đè nặng tâm trí.
Huy kể anh đã dùng thử hàng chục cách từ ủ dầu, uống thuốc, tiêm chất kích thích nhưng tóc ngày càng rụng nhiều. Tháng 11, anh quyết định đến bệnh viện da liễu thực hiện thủ thuật cấy tóc trực tiếp lên vùng da bị hói, giá hơn 50 triệu đồng, hy vọng có diện mạo “lột xác” vào dịp Tết.
Gần Tết, các phương pháp làm đẹp được nam giới quan tâm nhiều hơn, trong đó có cấy tóc. Hàng trăm hội nhóm cùng mối quan tâm trên xuất hiện trên các trang mạng xã hội, như Hội cấy tóc tự thân với gần 30.000 thành viên, Hội những người đã cấy tócthành công với 28.000 người… Đa số thành viên là nam giới, trong độ tuổi 30 – 55.
Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược ( TP HCM), cho biết nhu cầu thẩm mỹ ở nam giới ngày càng tăng, chủ yếu chăm sóc da, nâng cơ da mặt, cải thiện các dấu hiệu lão hóa để tránh ảnh hưởng tướng mạo, công việc, tình duyên. Trong đó, nhóm trung niên, lớn tuổi thường quan tâm làm đẹp trẻ hóa, gồm cấy tóc, trị hói, để lấy lại nét nam tính, hồi xuân.
“Tóc rụng khiến nam giới mặc cảm, stress tinh thần vì trông già đi trước tuổi, công việc giảm sút hơn”, bác sĩ nói.
Tương tự, TS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cũng cho biết bệnh nhân đến viện điều trị rụng tóc ngày càng nhiều và trẻ hóa. Mỗi tuần, khoa tiếp nhận 50 bệnh nhân đến khám, điều trị rụng tóc, hói đầu, cao gấp đôi so với khoảng chục năm trước. 75% trong số đó là nam giới, nhiều người mới đôi mươi đã hói đầu kèm theo tóc bạc sớm.
Trong các thủ thuật thẩm mỹ, cấy tóc ngày càng được nhiều người lựa chọn bởi hiệu quả tức thì, tính thẩm mỹ cao. Đây là kỹ thuật đưa những nang tóc khỏe mạnh vào vùng da đầu bị rụng tóc hoặc hói. Trước khi cấy tóc, bác sĩ gây tê tại chỗ để giảm đau. Mỗi mảnh ghép gồm 1-4 nang tóc khỏe mạnh được lấy ra từ một vùng trên da đầu có tóc dày hơn (thường là vùng sau đầu), sau đó cấy vào các vùng tóc kém chắc khỏe hơn và tóc đã ngừng mọc. Trung bình, mỗi mảnh tóc ghép chứa hai sợi tóc có khả năng duy trì và phát triển trong suốt cuộc đời.
Quy trình này giúp kích thích mọc tóc mới tại những khu vực mà trước đó không có lông hoặc tóc. Chi phí từ 40 triệu đến 50 triệu đồng, nhưng không phải người nào cũng đáp ứng điều trị. Một số người có cơ địa bệnh lý miễn dịch, dễ dị ứng, đang mắc bệnh nhiễm trùng, hói đầu lâu năm không nên thực hiện.
“Cấy tóc có hiệu quả tức thời, thấy liền nhưng vẫn có nguy cơ rụng lại, không đảm bảo lâu dài, nên cân nhắc trước khi thực hiện”, bác sĩ Thanh cho hay.
Ngoài ra, bác sĩ khuyến cáo nếu thực hiện tại các cơ sở kém chất lượng, người làm không có chuyên môn, không tuân thủ quy trình, người cấy tóc có thể bị chảy máu, nhiễm trùng hoặc phản ứng dị ứng với thuốc mê.
Nhiễm trùng có thể xảy ra khi vi khuẩn tại vị trí nang lông của người cấy tóc. Các triệu chứng nhiễm trùng bao gồm áp xe chảy mủ, bầm đỏ, sưng tấy da đầu. Người bệnh có cảm giác đau đớn, ngứa ngáy, nóng rát. Biến chứng sau cấy tóc là sốc phản vệ, sốc vasovagal, tương tác thuốc, chảy máu không kiểm soát, co thắt phế quản hoặc biến cố tim. Do đó, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần thực hiện thủ thuật này tại các cơ sở y tế được cấp phép, do người có chuyên môn thực hiện.
Để phòng ngừa rụng tóc, bác sĩ khuyên mỗi người cần chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo đủ lượng vitamin và khoáng chất; giữ tinh thần thoải mái, tránh stress. Người bị hói căn nguyên không chỉ tóc thiếu dưỡng chất mà còn do nội tiết cơ thể, cần phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.
Thùy An
Nguồn Thông Tin Cập nhập từ báo : https://vnexpress.net/chi-hang-chuc-trieu-dong-cay-toc-hoi-xuan-4823655.html