Bí quyết dưỡng sinh khi trời chuyển nóng lạnh đột ngột

Kinh Trập là tiết khí thứ 3 trong năm, khi Mặt Trời ở vào kinh độ 345. Kinh Trập bắt đầu từ ngày 5 (hoặc ngày 6) đến 20 (hoặc 21) tháng 3 dương lịch.

Theo bác sĩ Đỗ Ngọc Ánh, Phòng khám Đông y Bảo Nguyên Đường, Kinh Trập đánh dấu thời điểm giữa của mùa xuân, dương khí mạnh lên, nhiệt độ bắt đầu tăng nhanh nhưng các đợt không khí ấm và lạnh thay đổi liên tục. Chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn. Buổi sáng khó thức dậy, thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Đây chính là giai đoạn âm dương dao động dữ dội, dễ gây bệnh, cũng là mùa các mầm bệnh hoạt động mạnh.

Bác sĩ Ánh gợi ý một số phương pháp dưỡng sinh dưới đây, giúp nâng cao sức đề kháng, chống chọi bệnh tật.

Nguyên tắc dưỡng sinh

– Kiện Tỳ, bổ khí, trừ thấp.

– Sơ tiết Can khí.

– Thuận phát dương khí.

– Tán phong hàn.

Thực phẩm nên ăn

Nguyên tắc: ăn đồ thanh đạm và tính ấm, chú ý dưỡng Can kiện Tỳ.

Thực phẩm vị ngọt tự nhiên để bổ Tỳ khí

Có thể ưu tiên sử dụng gạo nếp, gạo lứt, yến mạch, khoai lang, táo đỏ, bí đỏ, các loại đậu, kỷ tử, đậu phộng, ngũ cốc nguyên hạt…

Mùa này, mọi người dễ bị khô miệng, khô họng. Lê có tác dụng lợi hầu họng, nhuận Phế, mát Tâm, tiêu đàm, giải độc nên mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể.

Người có Tỳ Vị hư hàn chỉ nên ăn ít và ăn sau khi hấp. Lê hấp còn có tác dụng tăng đào thải cholesterol dư thừa.

Ngô

Mùa Xuân mọi người dễ mệt tinh thần và gặp tình trạng buồn ngủ thường xuyên. Ăn ngô có tác dụng chống mệt mỏi hiệu quả. Ngô còn ích Phế ninh Tâm, thanh thấp nhiệt, bình Can tốt cho Đởm.

Rau tề thái

Đây là một loại rau dại tiêu biểu mọc vào tiết Kinh Trập. Rau tề thái còn có tên khác là cải dại, cỏ tâm giác.

Rau tề thái có vị ngọt nhạt và tính mát, giúp làm mát cơ thể và giảm ho, trừ suyễn, giúp giảm sưng và đau nhức. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng cầm máu, giúp kiểm soát các tình trạng chảy máu không mong muốn như cam máu, thổ huyết, và khái huyết.

Rau tề thái giúp tăng quá trình lợi tiểu, loại bỏ dư thừa chất lỏng và chất thải từ cơ thể. Nó cũng có khả năng tiêu thũng, giúp loại bỏ các tác nhân gây ra các vấn đề niệu huyết và sỏi thận.

Có thể nấu với thịt lợn xay, nấu với trứng gà hoặc xào để bổ sung cho cơ thể. Tuy nhiên, những người trào ngược dạ dày, dị ứng hoặc viêm mạn tính nên tránh.

Thảo mộc

Để tăng đề kháng cho cơ thể, nên bổ sung các loại thảo mộc như gừng, tía tô, hoắc hương, ý dĩ, quế chi, hoàng kỳ, đảng sâm, hoa hồng, phật thủ…

Lê có tác dụng lợi hầu họng, nhuận Phế, mát Tâm, tiêu đàm, giải độc nên mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Ảnh: Lan Anh

Những việc nên làm

Ngủ sớm, dậy sớm

Nên ngủ trước 11 giờ tối và ngủ đủ giấc. Có thể kết hợp massage mặt, xoa bóp lòng bàn chân, thả lỏng chân tay, rửa mặt nước ấm, hít thở sâu…

Che chân, che lưng dưới

Chân lạnh sẽ khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh, lưng dưới lạnh sẽ tổn hại Thận dương. Do đó, luôn cần che chắn hai phần cơ thể này cẩn thận.

Mặc quần áo phù hợp

Nên mặc dưới dày trên mỏng, ngoài dày trong mỏng, bảo vệ chân tay.

Những việc nên tránh

Đóng kín cửa

Nên mở cửa thông thoáng tối thiểu 10 phút vào buổi sáng và tối để cải thiện không khí trong nhà, giảm bệnh và giúp tinh thần thư giãn hơn.

Tức giận

Giai đoạn này nhiều người cực kỳ dễ tức giận, buồn bã, sợ hãi, cáu kỉnh. Hãy chăm sóc tinh thần, dưỡng Can. Nhất là người cao tuổi cần giữ thái độ bình tĩnh và tích cực, không nổi nóng để tránh làm Can dương vượng gây chóng mặt, đột quỵ và các bệnh khác.

Ngồi lì trong nhà

Nên ra ngoài để kích thích dương khí, tăng cường sức khỏe. Cách tốt nhất là đi bộ chậm để ra mồ hôi nhẹ, tránh tập nặng.

Cách phòng ngừa bệnh tật

Cảm lạnh và cúm

Để phòng cảm lạnh và cúm, nên mặc thêm hoặc cởi bớt áo thích hợp. Giữ phòng thông thoáng. Người yếu nên hạn chế ra nơi công cộng. Tắm nắng vào buổi trưa nhiều hơn. Buổi tối giải trí vừa phải. Súc miệng nước muối ngày 2 lần, sáng và tối. Bổ sung cao gừng, nghệ, táo đỏ.

Vấn đề tâm lý tinh thần

Cần chú ý duy trì đều đặn của các thói quen sinh hoạt tốt. Tăng cường các hoạt động có tính chất thư giãn. Sống chậm lại, ra ngoài nhiều hơn để cảm nhận mùa Xuân, hoà mình vào thiên nhiên.

Ngăn tái phát vết thương cũ

Đây là hiện tượng đau những vết thương cũ như bong gân, bầm tím, chấn thương, đã từng phẫu thuật…

Trường hợp này cần giữ ấm thích hợp; vận động kết hợp động, tĩnh để lưu thông máu và kinh lạc; massage tại chỗ và cứu ngải – phương pháp dùng sức nóng từ mồi ngải (được làm từ lá ngải cứu khô chế thải ngải nhung) tác động lên các huyệt vị, đường kinh để kích thích tạo nên phản ứng của cơ thể để đề phòng và điều trị bệnh.

Mỹ Ý

Nguồn Thông Tin Cập nhập từ báo : https://vnexpress.net/bi-quyet-duong-sinh-khi-troi-chuyen-nong-lanh-dot-ngot-4857799.html