Thông tin được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo cộng đồng.
Dứa chứa một lượng đáng kể chất xơ, giúp tiêu hóa tốt hơn. Loại quả này cũng chứa bromelain, được cho là có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa. Điều này rất hữu ích với những người bị suy tuyến tụy, tình trạng tuyến tụy không thể tạo ra đủ các enzyme tiêu hóa mà cơ thể cần.
Khi ăn dứa cần cắt gọt hết các mắt vì có nguy cơ ngộ độc, gây đầy hơi, khó tiêu, táo bón. Cũng không nên ăn quá nhiều dứa vì dễ gây tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, ợ nóng vì tiêu thụ quá nhiều vitamin C trong dứa. Thành phần axit trong loại quả này nếu ăn quá nhiều còn gây sâu răng.
Một số người có thể cảm thấy rát hoặc khó chịu trong miệng, môi hoặc lưỡi sau khi ăn hoặc uống nước dứa, đây là tác dụng phụ do enzyme bromelain gây nên. Enzyme bromelain có nhiều trong lõi và vỏ dứa. Hầu hết trường hợp cảm giác đau rát này sẽ tự mất đi sau vài giờ.
Ngoài ra, một số nhóm người không nên ăn dứa, bao gồm:
Người cơ địa dị ứng
Trong quả dứa có men bromelin, là loại enzym có chức năng thủy phân protit, được ứng dụng để trị rất nhiều bệnh khác nhau. Nhưng rất nhiều người dị ứng loại men này.
Sau khi ăn dứa từ 15 phút hoặc lâu hơn, bromelin kích thích cơ thể sinh ra các histamin làm xuất hiện các triệu chứng đau quặn bụng từng cơn, có thể lợm giọng, buồn nôn, nổi mày đay, ngứa ngáy khó chịu, môi tê dại, nặng hơn là khó thở.
Những trường hợp này hay gặp và diễn biến nặng ở bệnh nhân có tiền sử cơ địa dị ứng như mề đay, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản…
Người bị tiểu đường
Người bị tiểu đường được khuyên không nên ăn dứa. Dứa chứa hàm lượng đường cao, cung cấp nhiều năng lượng nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ bị thừa cân béo phì. Nếu người mắc bệnh đái tháo đường muốn ăn dứa phải hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.
Người huyết áp cao
Bệnh nhân huyết áp cao cũng nên hạn chế ăn dứa. Người tiền sử tăng huyết áp khi dùng nhiều dứa dễ gây hiện tượng nóng bừng mặt, đau đầu choáng váng… dễ có nguy cơ cơn tăng huyết áp.
Người bị viêm răng, lở loét khoang miệng
Đây cũng là nhóm người nên hạn chế ăn dứa. Chất glucoside trong dứa tác dụng kích thích mạnh với niêm mạc miệng, thực quản, khi ăn quá nhiều còn khiến tê bì ở lưỡi, cổ họng. Người khỏe mạnh cũng không nên ăn nhiều dứa một lúc.
Người bị bệnh dạ dày, viêm loét dạ dày
Người bệnh dạ dày không nên ăn nhiều dứa, chỉ nên ăn một miếng rất nhỏ bởi dứa có chứa nhiều axit hữu cơ và một số enzyme làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày, đường ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.
Người dễ bốc hỏa
Cuối cùng, những người dễ bốc hỏa cũng không nên ăn dứa. Nhiều người sau khi ăn dứa xong khoảng từ 30 phút đến một giờ thấy mệt mỏi, khó chịu, ngứa dữ dội khắp người, ngay sau đó cảm thấy nóng bừng và nổi mẩn. Đây là hiện tượng bốc hỏa.
Đối với những người đã bị một lần rồi càng phải thận trọng khi ăn dứa, tốt nhất là nên ăn ít để thăm dò.
Mỹ Ý
Nguồn Thông Tin Cập nhập từ báo : https://vnexpress.net/ai-khong-nen-an-dua-4807615.html