Định lượng dinh dưỡng bằng phần mềm
Thời gian qua, được sự đồng ý của Bộ Y tế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Viện dinh dưỡng Quốc gia phối hợp với Công ty Ajinomoto tổ chức nhiều Hội nghị triển khai phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em cho cán bộ y tế tại nhiều địa phương như Bến Tre, Đắk Nông, Quảng Trị…
Chương trình nhằm thúc đẩy triển khai Phần mềm đến cán bộ y tế và phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và nuôi con nhỏ trên phạm vi toàn quốc, nhằm góp phần vào việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam.
Phần mềm gồm các nội dung: Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng; Các nội dung về “Theo dõi sức khỏe; kiểm tra và tư vấn chế độ dinh dưỡng”; thông tin tư vấn sức khỏe; dinh dưỡng khác…
Phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi. Trong đó, ngân hàng thực đơn cân bằng dinh dưỡng của phần mềm được phát triển từ nghiên cứu thói quen ẩm thực; xác định tiêu chuẩn, dữ liệu dinh dưỡng của các thực phẩm phổ biến; phát triển thực đơn, tính toán dinh dưỡng, đến hướng dẫn chế biến, thực nghiệm thực đơn và hoàn thiện…
Quá trình với sự tư vấn, nhận xét và đánh giá của Hội đồng khoa học – Viện Dinh dưỡng Quốc gia; các chuyên gia dinh dưỡng, sản, nhi thuộc nhiều bệnh viện và cơ sở y tế; các chuyên gia ẩm thực từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cũng như bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ.
Đối tượng sử dụng phần mềm là nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ nhỏ tại các cơ sở y tế; phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và những người chăm sóc cho bà mẹ và trẻ nhỏ từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi. Cùng với các chương trình dinh dưỡng mà Bộ Y tế đang triển khai như: Nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, đề án dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, chương trình sữa học đường…
Việc triển khai phần mềm sẽ góp phần chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi toàn diện hơn, từ đó cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam.
Chính sách dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em đang được quan tâm
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, các chính sách về dinh dưỡng được ban hành khá đầy đủ, Bộ Y tế cũng đã xây dựng các hướng dẫn chuyên môn, đưa ra các mức khuyến cáo về phòng chống suy dinh dưỡng với người dân Việt Nam, các can thiệp chuyên môn do Viện Dinh dưỡng Quốc gia xây dựng và ban hành giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng.
Những năm qua, đội ngũ cán bộ y tế làm công tác dinh dưỡng cũng rất nỗ lực và có trách nhiệm để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em để hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ. Chính sách được ban hành tương đối đầy đủ, vấn đề thực thi thế nào cho hiệu quả để giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em là vấn đề cần bàn.
Nhu cầu cải thiện dinh dưỡng cho người dân rất lớn trong khi các nguồn lực có hạn, ước tính mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thực tế, đặc biệt ở đối tượng phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo TS Trần Đăng Khoa, chính sách dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em đã được quan tâm xây dựng nhưng khi thực thi còn gặp khó khăn do nguồn lực hạn chế. Có những quy định ban hành nhưng lại thiếu kinh phí để thực hiện, rồi khi thực hiện lại chưa thể đánh giá hiệu quả như thế nào, huy động đội ngũ cán bộ thực thi chính sách ra sao.
Trong chiến lược dinh dưỡng quốc gia 2021-2030 và trong các cuộc điều tra dinh dưỡng cho thấy, mục tiêu đảm bảo an ninh dinh dưỡng và bữa ăn hợp lý cho người dân là mục tiêu số 1. Giảm thiểu suy dinh dưỡng, phòng chống béo phì cuối cùng là giải quyết dinh dưỡng khẩn cấp, phòng chống suy dinh dưỡng trước, trong và sau thiên tai.
Bà mẹ và trẻ em thiếu vi chất dinh dưỡng phải xem là đối tượng yếu thế cần chính sách ưu tiên đặc biệt. Tỉ lệ suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em vùng sâu vùng xa còn rất cao, do vậy để khắc phục thì phải đưa vào các chính sách cụ thể như bảo hiểm xã hội. Ngoài ra tình trạng trẻ em bị ảnh hưởng bởi thức ăn nhanh, thức ăn không lành mạnh… cũng khá phổ biến. Chính sách sắp tới phải phòng ngừa, bằng cách xây dựng thông tư nghị định để hạn chế tiếp xúc với nhóm thực phẩm này. Ví dụ thông tư quy định ghi nhãn dinh dưỡng và thực phẩm có thể triển khai ngay để bảo vệ trẻ em sớm nhất và tốt nhất. Chính sách giảm tiêu thụ đường, muối, những thứ bất lợi cho trẻ em cũng cần được quan tâm.
Giai đoạn hiện nay, Quốc hội và chính phủ rất quan tâm phát triển vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, đã cấp ngân sách để thực thi chính sách cải thiện dinh dưỡng. Có nguồn kinh phí để can thiệp chuyên môn cải thiện dinh dưỡng phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ và trẻ em. Bên cạnh đó là sự huy động của các tổ chức trong và ngoài nước, cấp ngân sách để cơ bản cải thiện nhiệm vụ nâng cao thể trạng, tầm vóc cho con người Việt Nam và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cũng được thực hiện liên tục và sâu rộng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những yếu tố nào khiến chúng ta gặp tình trạng lão suy sớm hơn? | SKĐS
Nguồn thông tin được cập nhập từ báo : https://suckhoedoisong.vn/trien-khai-tai-nhieu-dia-phuong-phan-mem-thuc-don-can-bang-dinh-duong-16924092715002052.htm