5 món nên tránh ăn uống khi bụng đói

Khi cơn đói đến, bạn có thể muốn ăn ngay thứ đầu tiên nhìn thấy. Tuy nhiên, một số thực phẩm và đồ uống có hại nhiều hơn lợi đối với dạ dày trống rỗng.

Dưới đây là những thực phẩm có thể gây rối loạn tiêu hóa khi bụng đói, đặc biệt khi đường tiêu hóa nhạy cảm.

Cà phê

Nên tránh uống cà phê ngay sau khi thức dậy. Cà phê, đặc biệt là cà phê đen đậm đặc, có thể gây khó chịu cho dạ dày trống rỗng vì caffeine thúc đẩy giải phóng gastrin – hormone tiết axit dạ dày. Tác dụng này có thể dẫn đến các triệu chứng trào ngược, chẳng hạn như đầy hơi, buồn nôn và nôn.

Chuyên gia khuyên nên ăn một bữa ăn nhẹ giàu protein hoặc chất béo trước khi uống cà phê. Các thực phẩm như trứng luộc, một vài thìa bơ hạt, hoặc thậm chí cho một chút sữa dừa nguyên chất vào cà phê sẽ giúp dạ dày dễ chịu đựng cà phê hơn và giảm tác dụng phụ.

Trái cây họ cam quýt

Nước ép bưởi hoặc cam tươi thường được dùng vào bữa sáng, nhưng bạn nên tránh những thức uống này khi bụng đói nếu có tiền sử các vấn đề về tiêu hóa hoặc dạ dày quá nhạy cảm.

Trái cây họ cam quýt như ổi và cam có thể làm tăng sản xuất axit trong ruột, từ đó tăng nguy cơ viêm và loét dạ dày. Một lượng lớn chất xơ và fructose trong các loại trái cây này có thể làm chậm hệ tiêu hóa nếu ăn khi bụng đói.

Có thể áp dụng mẹo dùng trái cây họ cam quýt và đồ uống cùng với carbohydrate, để carbohydrate giúp hấp thụ axit dư thừa trong dạ dày, giảm các triệu chứng khó chịu.

Sữa chua

Nhờ hàm lượng probiotic và axit lactic cao, sữa chua rất tốt cho đường ruột. Tuy nhiên, tiêu thụ sản phẩm sữa lên men như sữa chua khi bụng đói làm cho vi khuẩn axit lactic có trong sữa chua không hiệu quả do nồng độ axit cao trong dạ dày.

Hơn nữa, ăn sữa chua khi bụng đói có thể làm tăng sản xuất axit dạ dày, gây khó chịu đường tiêu hóa, đồng thời phá hủy một số probiotic có lợi trong chính sữa chua.

Các bác sĩ khuyên nên ăn sữa chua khi no, để axit lactic được hấp thụ và không phá hủy một số thành phần có lợi đó.

Các bác sĩ khuyên bạn nên ăn sữa chua khi no. Ảnh: Bùi Thủy

Đồ uống có ga

Đồ uống có ga gây khó chịu đường tiêu hóa như ợ hơi và đầy hơi, đặc biệt là khi không có thức ăn trong dạ dày. Bong bóng carbon dioxide từ đồ uống có thể tạo ra nhiều áp lực trong dạ dày, gây khó chịu và ợ hơi, đồng thời cũng có thể dẫn đến trào ngược.

Cũng như thực phẩm có đường, uống đồ uống có ga chứa đường khi bụng đói có thể làm tăng nhanh lượng đường trong máu, có khả năng dẫn đến sụt giảm năng lượng.

Thực phẩm có đường, cay và nhiều dầu mỡ

Ăn thực phẩm có đường khi bụng đói có thể dẫn đến sự tăng đột biến nhanh hơn về insulin và lượng đường trong máu. Để ngăn chặn điều này, hãy ăn thực phẩm giàu chất xơ trước. Chất xơ làm chậm quá trình hấp thụ đường, do đó hỗ trợ lượng đường trong máu tăng chậm hơn. Ngoài ra, thực phẩm có đường cũng có thể gây tiêu chảy nếu ăn khi bụng đói. Điều này xảy ra khi chất điện giải và chất lỏng bị kéo ra khỏi máu và vào ruột, đây là nỗ lực của đường tiêu hóa để cân bằng nồng độ đường cao. Kết quả là đại tiện lỏng và nhiều nước, có thể rất khó chịu.

Hầu hết thực phẩm cay đều có một chất hóa học gọi là capsaicin liên kết với các thụ thể trong đường tiêu hóa, khiến cơ thể nghĩ rằng có thứ gì đó có hại đã xâm nhập vào đường tiêu hóa, khiến nó tăng sản xuất chất nhầy và tăng tốc độ tiêu hóa để loại bỏ chất này. Điều này có thể kích hoạt các cơn tiêu hóa quá mức, cùng với đau bụng, phân lỏng.

Hàm lượng chất béo cao của thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên, hành tây chiên, gà rán, có thể là quá nhiều cho dạ dày trống rỗng. Thực phẩm giàu chất béo mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, gây ra sản xuất axit nhiều hơn, dẫn đến đau dạ dày, khó chịu và rối loạn đường tiêu hóa nói chung. Thực phẩm giàu chất béo cũng làm giảm khả năng co bóp của cơ thắt thực quản, tạo ra khoảng trống dẫn đến trào ngược axit.

Mỹ Ý (Theo Times of India)

Nguồn Thông Tin Cập nhập từ báo : https://vnexpress.net/5-mon-nen-tranh-an-uong-khi-bung-doi-4813329.html